23.5.09

Tương lai bắt đầu từ hôm nay


Cả Bộ trưởng BQP Mỹ Robert Gates và chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân (tổng tham mưu trưởng), đô đốc hải quân Mullen, đều đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng UAV, máy bay không người lái, sẽ là tương lai của không quân Mỹ. Nó đánh dấu một cột mốc rất quan trọng của công nghệ hàng không quân sự Mỹ, xác định ưu tiên chính cho các dự án sau này. Cột mốc tương đương trước đó là việc biến không quân Mỹ thành một lực lượng 'toàn tàng hình', với tất cả các thiết kế đều ứng dụng công nghệ giảm diện tích phản xạ radar và coi đó là ưu tiên cao nhất, bao gồm B-2, F-22, F-35.

Trước mắt, thế hệ máy bay ném bom chiến lược mới, NGB, có thể sẽ là UAV. Mullen thậm chí tin tưởng rằng F-35 sẽ là mẫu máy bay chiến đấu có người lái cuối cùng được thiết kế. Việc một đô đốc lại rất nhiệt tình với UAV không có gì lạ vì hải quân Mỹ cho tới nay đặt rất nhiều kỳ vọng vào UAV, vì lực lượng máy bay của họ đặt trên tàu sân bay, nơi mà không gian rất có hạn. UAV nhỏ gọn hơn máy bay có người lái, đồng thời sẽ tiết kiệm được những không gian trước đây dành cho phi công.




X-47B

Vài năm trước, dự án J-UCAS, máy bay chiến đấu không người lái đa quân chủng, được khởi động với mục tiêu là chế tạo một mẫu UAV chiến đấu chung cho cả hải quân và không quân Mỹ. 2 thiết kế cạnh tranh với nhau là X-45 của Boeing và X-47 của Northrop Grunman, hãng chế tạo B-2. X-47 chiến thắng, tuy vậy dự án J-UCAS sau đó bị hủy bỏ vì 2 quân chủng nhận thấy rằng họ cần những thiết kế riêng phù hợp nhu cầu của mình.

Năm ngoái, hải quân Mỹ chính thức giới thiệu mẫu UAV chiến đấu đầu tiên của mình, X-47B. Đây mới chỉ ở dạng mẫu thử nghiệm, dự kiến cuối năm nay nó sẽ bay chuyến đầu tiên và đến năm sau sẽ thực hiện một cuộc hạ cánh trên tàu sân bay. Với sải cánh 20m, nặng 8 tấn, có thể chở theo 2 tấn vũ khí, nó có thể hoạt động liên tục tối đa 12 tiếng đồng hồ. Nó sử dụng bản cải tiến của động cơ phản lực F100, loại dùng trên F-16 và F-15. X-47B hoàn toàn tự động, từ lúc cất cánh tới hạ cánh, bao gồm cả việc tiếp nhiên liệu trên không.







X-45A

Mặc dù thua cuộc trong J-UCAS, Boeing với X-45 vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng vào thiết kế của mình, và tự bỏ tiền ra để tiếp tục nghiên cứu. Dự án giờ đây có tên mới là Phantom Ray.

X-45A cũng có thiết kế tàng hình, sải cánh 10m, sức tải 700kg. Hoàn toàn tự động từ lúc cất tới hạ cánh, trần bay 10km, vận tốc hành trình Mach 0.75. Thiết kế X-45A cho phép cánh được tháo rời ra dễ dàng để máy bay có thể được xếp gọn vào trong một container chuyên dụng. Một máy bay vận tải C-17 có thể chở theo 6 container như vậy đến bất cứ đâu trên thế giới.



X-45C

X-45C, phiên bản nâng cao của X-45A, lớn hơn và có thiết kế khác. Nặng 19 tấn, sải cánh 18m. Trần bay 13km, sức tải tối đa là hơn 2 tấn. Tầm hoạt động 2300km với vận tốc hành trình Mach 0.85. Một chiếc X-45C có thể mang theo 8 bom SDB trong khoang chứa kín của mình.

Những UAV chiến đấu như vậy ban đầu sẽ được dùng cho những nhiệm vụ nguy hiểm, đặc biệt là tấn công hệ thống phòng không của đối phương.

Tuy vậy, cho tới nay, người ta vẫn ít khi đề cập đến việc dùng máy bay không người lái trong vai trò không đối không. Vấn đề không chỉ là về mặt kỹ thuật mà còn là việc nó đồng nghĩa với sự 'biến mất' của các phi công chiến đấu. Tuy nhiên, trước khi UAV có thể tham gia không chiến, nó cần đạt được 2 yếu tố sau.

Thứ nhất là khả năng nhận thức về tình huống, môi trường bên ngoài. Và thứ hai và khả năng xử lý những thông tin đó là tự đưa ra quyết định, hay có thể 'suy nghĩ' như một con người. UAV nếu được dùng trong không chiến sẽ có lợi thế là không bị giới hạn về gia tốc. Cơ thể con người chỉ có thể chịu được 1 mức gia tốc nào đó, trên lý thuyết là 9G, gấp 9 lần gia tốc trọng trường. Nếu gia tốc quá lớn, phi công sẽ dần mất ý thức và có thể tử vong. Ngoài ra, UAV cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm sinh lý, ngay cả trong tình huống khó khăn, và thời gian hoạt động dài hơn nhiều so với máy bay có người lái.

Việc chuyển từ máy bay có người lái sang UAV cũng sẽ giúp tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ dùng cho đào tạo, trả lương cho phi công. Tuy vậy, từ đây cho đến lúc đó vẫn còn một đoạn đường dài. Mặc dù đã quyết định đẩy nhanh việc robot hóa lực lượng chiến đấu cơ của mình sớm 20 năm so với kế hoạch vạch ra trước đây, BQP Mỹ dự tính rằng phải đến 2020 thì chiếc UAV đầu tiên có tính năng tương đương F-35 mới xuất hiện.

No comments: