Cuối cùng thì sau khá nhiều lời đồn đoán, Nga đã chính thức xác nhận việc họ đang đàm phán để mua một chiếc tàu hỗ trợ đổ bộ lớp Mistral, với giá từ 300-400 triệu euro, và sau đó có thể ký tiếp hợp đồng mua quyền đóng 3-4 chiếc cùng loại tại Nga.
Bản thân hải quân hải quân Pháp đã nhận 2 chiếc cùng loại, tên là Mistral và Tonnerre, vào 2006 và 2007. Nói chung họ rất hài lòng với chất lượng của loại tàu mới này. Dài 200m, lượng choán nước 21,500 tấn, Mistral có thể chở theo 450 lính thủy đánh bộ, khoảng 17 máy bay trực thăng, gần 100 xe cơ giới hoặc 60 xe bọc thép. Nó có một bệnh viện với 69 giường. Con tàu có mức độ tự động hóa cao, với thủy thủ đoàn chỉ gồm 180 người. Tàu lớp San Antonio của Mỹ, có chức năng gần giống Mistral, lượng choán nước 25,000 tấn có thủy thủ đoàn gần 400 người. Vũ khí trên tàu chủ yếu để phòng vệ, gồm 2 giàn phóng tên lửa phòng không tầm gần, 2 đại liên 30mm và 4 súng máy hạng nặng. Nếu không được tiếp tế trên biển, nó có thể hoạt động trong 45 ngày.
Những tàu hỗ trợ đổ bộ như chiếc Mistral hiện nay đang có nhu cầu khá cao trên thị trường quốc phòng. Chủ yếu là do tính linh hoạt và hữu dụng của nó trong nhiều loại hoạt động quân sự khác nhau. Chúng nó thể đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh quy ước, bất quy ước, gìn giữ hòa bình, cứu trợ thiên tai…Chúng có thể là nơi xuất phát cho các chiến dịch đổ bộ, đồng thời là 1 tàu sân bay cho trực thăng, bệnh viện dã chiến nổi, sở chỉ huy trên biển…Nói chung, loại tàu này là 1 thành tố không thể thiếu đối với 1 lực lượng hải quân viễn dương. Và do đó mà việc quyết định mua Mistral đánh dấu 1 thay đổi lớn trong chiến lược của hải quân Nga.
Có thể nói rằng đế quốc Nga trước kia, LX sau này và bây giờ trở lại là nước Nga đều không có truyền thống mạnh về hải quân, hay ít nhất là không tương xứng với sức mạnh chung của đất nước. Lần cuối cùng người Nga tham gia một trận hải chiến lớn là đã cách đây hơn 1 thế kỷ, khi hạm đội Baltic giao chiến với hạm đội của cường quốc mới nổi Nhật Bản. Kết cục trận chiến là 1 thất bại thảm hại của người Nga.
Sau này ngay cả khi là siêu cường thứ 2 của thế giới, lực lượng hải quân LX vẫn chủ yếu mang tính phòng ngự chứ không phải là 1 lực lượng hải quân viễn chinh, có thể tác chiến và hỗ trợ các chiến dịch viễn chinh lâu dài ở một chiến trường cách xa chính quốc. Ngoại trừ đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược, phần còn lại của hải quân LX được xây dựng với mục đích chính là phòng thủ thành công trước hải quân Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Trọng tâm khi đó là chống tàu ngầm, chủ yếu thông qua trực thăng, và phát triển những tên lửa diệt hạm lớn và tầm hoạt động xa để bù đắp cho việc không có tàu sân bay. Vấn đề phát triển khả năng viễn chinh rất ít được quan tâm, bản thân lực lượng lính thủy đánh bộ cũng có quy mô nhỏ, hoàn toàn phụ thuộc vào hải quân chứ không phải 1 quân chủng độc lập.
Song hiện nay, Nga đang cải tổ lại quân đội với học thuyết mới, với mục tiêu để không chỉ là 1 cường quốc lục địa. Theo đó, lục quân được cắt giảm, và tăng cường khả năng viễn chinh của quân đội. Những khu vực mà Nga đang muốn nhắm tới với tư cách như một cường quốc viễn dương là khu vực biển Đen, đông địa trung hải, bờ biển châu phi. Trên thực tế thì từ sau khi LX sụp đổ, tàu chiến Nga dành phần lớn thời gian neo ở cảng thay vì ra biển vì thiếu kinh phí, hầu như chỉ có lực lượng tàu ngầm chiến lược là còn có thể duy trì sự hoạt động thường xuyên, nhưng cũng ở quy mô giảm đi nhiều so với chiến tranh lạnh. Năm 2000, sau khi lên nắm quyền, một trong những việc làm đầu tiên của TT Putin là yêu cầu hải quân chuẩn bị cho đợt triển khai lớn đầu tiên từ sau 1991 đến khu vực địa trung hải. Không may là vụ tai nạn Kursk diễn ra ngay giữa quá trình chuẩn bị đó và hải quân Nga gần như phải dồn hết tâm trí cho thảm kịch này. Tiếp đến là vụ chiếc tuần dương hạm hạt nhân Pie Đại đế khi đang tập trận phải cấp tốc quay về cảng vì một hỏng hóc nào đó mà theo lời 1 đô đốc sau này thuật lại là đã có thể khiến nó nổ tung.
Những rắc rối khác lại xảy đến, lần này mang tên Bulava, rồi vụ tai nạn tàu ngầm mini, vụ tai nạn trong quá trình chạy thử của 1 chiếc Akula. Trên thực tế thì mặc dù gần 1 nửa ngân sách quốc phòng là dành cho hải quân thì đa số chúng vẫn được dùng cho lực lượng chiến lược (mang vũ khí hạt nhân) như việc phát triển loại tàu ngầm hạt nhân và tên lửa chiến lược mới. Hải quân Nga có vài lần triển khai tập trận ở vùng biển xa, nhưng cũng chỉ trong vài ngày, mang nhiều tính PR hơn là thực tế.
Cuộc chiến với Gruzia năm ngoái đã một lần nữa đặt ra yêu cầu hiện đại hóa lực lượng hải quân quy ước. Những chiếc Mistral mới cũng được dự đoán là nhằm chủ yếu triển khai ở khu vực biễn đen, là nơi sát sườn với nước Nga. Việc phát triển khả năng đột kích từ biển vào là rất quan trọng nếu như một cuộc chiến tương tự như cuộc chiến của Gruzia lại xảy ra, một phần vì địa hình ở khu vực đó rất hiểm trở.
Tuy nhiên, khi đứng trước yêu cầu đó, người Nga phải đối diện với 1 vấn đề nan giải. Đó là tình trạng cực kỳ bi đát của ngành công nghiệp đóng tàu hiện nay. Một thời gian dài hầu như không có việc gì để làm đã khiến cho ngành này chảy máu chất xám nghiêm trọng, công nghệ, phương pháp quản lý lạc hậu, không được cập nhật. Chưa kể là sau khi LX sụp đổ, Nga mất nhiều nhà máy ở các nước nay đã trở thành độc lập, chủ yếu là Ukraina, họ phải xây dựng lại những cơ sở tương tự với chi phí cao. Đó là lí do vì sao mà chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm mới Borei có giá tới 2 tỷ dollar, tương đương với đơn giá của Mỹ, một điều hiếm khi xảy ra. Biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng bi đát này có lẽ không gì khác vụ scandal liên quan đến hợp đồng đại tu và bán lại tàu sân bay cho Ấn độ. Khi giám đốc một nhà máy đóng tàu tuyên bố rằng nhờ vào một hợp đồng mua tàu của Việt Nam mà công nhân nhà máy có việc làm thì đó không hẳn chỉ là những lời lẽ ngoại giao.
Trong tình trạng đó, người Nga không còn cách nào khác là phải đi mua lại của phương tây. Thật ra thì việc Nga, LX trước kia sử dụng công nghệ phương tây không phải là điều gì quá mới mẻ. Không chỉ dưới thời Sa hoàng, mà thậm chí là trong thời kì Stalin nắm quyền, đặc biệt là trong những năm 1930, Nga là 1 khách hàng thường xuyên của các nhà sản xuất vũ khí phương tây. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 và trong thời kì chiến tranh lạnh, việc mua bán giảm đi nhiều, nhưng không phải là không có. Ví dụ như chính Pháp cũng đã cung cấp các thiết bị cảm biến nhiệt dùng trên những thế hệ tăng mới nhất của Nga. Ngoài ra, vũ khí Nga khi xuất khẩu, đặc biệt là máy bay, luôn có các tùy chọn (options) cho khách hàng để sử dụng các linh kiện, phụ kiện phương tây, đặc biệt là các thiết bị điện tử, thay cho thiết bị gốc của Nga. Tuy vậy, một hợp đồng lớn với cả một hệ thống vũ khí như vậy (1 con tàu hơn 2 vạn tấn) là chưa từng có tiền lệ, và rõ ràng thu hút rất nhiều sự chú ý. Nó chứng tỏ quyết tâm hiện đại hóa rất mạnh của quân đội Nga khi vượt qua vấn đề tự tôn của mình.
Thật ra nếu theo đúng như dự kiến thì người Nga cũng sẽ có rất nhiều lợi ích từ hợp đồng này. Vì theo đó những chiếc Mistral tiếp theo sẽ được cung cấp bản quyền để chế tạo ngay tại Nga. Đó sẽ là một cú hích rất lớn cho ngành đóng tàu Nga. Trong nhiều thập niên qua, chưa từng có con tàu nào lớn như vậy được chế tạo tại 1 nơi bên ngoài Mỹ hay châu Âu. Nga có thể tận dụng kinh nghiệm, công nghệ, cách quản lý mới nhất từ người Pháp.
Tuy vậy, đó vẫn ở thì tương lai khá xa, còn hiện tại, nó cho thấy một lần nữa thực trạng không lấy gì làm sáng sủa của ngành đóng tàu quốc phòng Nga, và liệu rằng việc phát triển hải quân dựa hoàn toàn vào các sản phẩm từ nền đóng tàu đó liệu có phải là 1 giải pháp tốt?
No comments:
Post a Comment