4.10.09

Người TQ học ăn bằng nĩa


Trong dịp chuẩn bị cho lễ quốc khánh vừa qua, có rất nhiều xe cơ giới quân sự được triển khai trong Bắc kinh, bao gồm cả các xe bếp dã chiến. Điều làm nhiều người tq không hài lòng là biểu tượng trên xe lại bao gồm muỗn và nĩa, những vật dụng tiêu biểu của phương tây thay vì đũa như truyền thống á đông.



Tuy vậy, nói chung thì trong hơn 1 thập kỉ hiện đại hóa vừa qua, năng lực hậu cần của quân đội tq, bao gồm việc cấp dưỡng, đã được nâng cao rất nhiều, với việc sử dụng rộng rãi các xe bếp dã chiến và các khẩu phần dã chiến. Nó không chỉ đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời thức ăn cho quân đội khi tác chiến, và đối với nhiều lính có xuất thân từ những vùng quê nghèo, những phần ăn của quân đội là những thứ ngon nhất họ từng được ăn. Và tất nhiên là đa số vẫn dùng đũa.



Napoleon từng có câu nói nổi tiếng rằng 'một đạo quân hành quân trong cái dạ dày của mình'. Câu này ám chỉ tầm quan trọng của hậu cần nói chung, trong đó có vấn đề cung cấp thức ăn cho binh lính. Các bếp dã chiến vẫn luôn là một phần quan trọng không thể thiếu, nhưng đồng thời vẫn cần có các phần ăn dã chiến, lương khô để cá nhân từng người lính có thể đem theo và ăn khi mà không có bếp ăn trên chiến trường.



Hồi cuối tháng 7 vừa qua, một đại tá lục quân Mỹ, Henry A.Moak Jr, trong buổi tiệc nhân dịp về hưu của mình, đã mở một hộp lương khô C-ration và ăn dưới sự chứng kiến của bạn bè, một vị tướng về hưu khác tham gia buổi tiệc cũng thưởng thức 1 phần của nó. Điều đặc biệt là đại tá Moak đã lấy hộp này từ năm 1973 và hứa rằng sẽ mở và ăn nó vào dịp về hưu của mình. Vào thời điểm đó, nó đã được "4 năm tuổi". Như vậy, hộp thức ăn này cho tới nay đã trải qua 40 năm và vẫn ăn được.



C-ration ra đời trong thế chiến thứ 2, giống như đồ ăn đóng hộp, có thể được ăn ngay. Một khẩu phần nặng khoảng hơn 2kg, gồm 3 hộp, đủ ăn cho 1 ngày. Ngoài ra còn có 3 hộp nhỏ chứa đồ tráng miệng. Thực đơn khá nghèo nàn, ngoài ra đồ hộp khá nặng nề và thường gây nhiều tiếng động. Ngoài ra còn có K-ration, đựng trong túi và D-ration dưới dạng thanh. Chúng là khẩu phần dùng cho các chiến dịch đột kích sâu vào phòng tuyến đối phương, do đó nhẹ hơn và chứa nhiều năng lượng hơn. Dân chúng nhiều nơi tại châu Âu đã sống nhờ những khẩu phần này sau khi được giải phóng khỏi phát xít Đức.



Không được binh lính yêu thích, C-ration bị thay thế bởi MRE từ cuối những năm 70. So với C-ration, MRE có nhiều lợi điểm hơn. Nó được chứa trong các túi nhựa thay vì hộp kim loại nên nhẹ hơn và không gây tiếng động. Ngoài ra, thực đơn cũng đa dạng hơn. MRE có 24 loại khác nhau, và thường xuyên được thay đổi, thường là hàng năm. Mỗi bịch MRE cung cấp khoảng 1250 calories. Ngoài ra còn có các phần ăn đặc biệt cho mùa đông, chứa 1540 calories, và các phần ăn không chứa thịt heo cho người theo đạo hồi hay do thái, cũng như các phần ăn chay.



Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng cung cấp các phần ăn dùng cho các hoạt động cứu trợ, chúng gồm 1 túi lớn chứa 3 phần ăn và làm từ thực vật để bảo đảm rằng mọi nền văn hóa và tôn giáo có thể chấp nhận.



Canada sử dụng khẩu phần dã chiến gọi là IMP. Không như MRE, một bịch cho 1 bữa ăn, IMP gồm 1 hộp lớn chứa 3 bữa ăn, với 3 vị khác nhau, mỗi phần cũng cung cấp khoảng 1200 calories.



Pháp thì có RCIR, một số dưới dạng bịch hoặc đóng hộp. Và không hổ danh là đất nước của ẩm thực, RCIR có nhiều thực đơn mà các nước khác không có, như thỏ, cừu, bê…



Người Anh cũng chuyển từ đồ hộp sang dạng túi. Họ còn cung cấp các phần ăn 4 người cho các đội lính tăng và phần 10 người cho các đội xe thiết giáp chiến đấu (IFV) Warrior. Còn người Đức thì chứa thức ăn trong các khay giấy kim loại. Người Nga thì vẫn sử dụng đồ hộp. Thực đơn thường là thịt bò, xúc xích và cá.



Nếu xét về độ ngon miệng thì có lẽ RCIR của người Pháp vẫn là số 1, người ta đồn rằng trong 'giá chợ đen' khi binh lính trao đổi cho nhau là 1 phần RCIR lấy 5 phần MRE. Còn nói về mức độ đa dạng thì MRE với 24 vị khác nhau là số 1.





Như vậy đa số quân đội đã chuyển từ dạng đóng hộp thiếc sang đựng trong túi, bịch…Tuy vậy, dạng đóng hộp vẫn còn 1 lợi thế, là bảo quản được lâu hơn. Nhưng lợi thế này cũng không quá quan trọng vì có lẽ cũng không ai có nhu cầu trữ quân lương tới 40 năm!

No comments: