24.11.09

TQ sắp có chiến đấu cơ thế hệ thứ 5?

Gần đây, các quan chức cao cấp của TQ đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ sớm sở hữu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, tương tự như F-22 hay F-35 của Mỹ. Theo đó, chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra trong vòng 1 năm tới, và trong vòng từ 8-10 năm tới, mẫu máy bay này (thường được gọi là J-XX) sẽ chính thức gia nhập lực lượng, với những tính năng tiêu biểu như tốc siêu hành trình (duy trì tốc độ siêu âm trong thời gian dài không cần sử dụng đốt hậu), tàng hình, công nghệ radar và điện tử tân tiến, cất cánh thẳng đứng. Trước đó, các đáng giá của giới tình báo Mỹ cho rằng TQ vẫn còn cách rất xa việc sở hữu công nghệ chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Những tuyên bố trên đã gây khá nhiều tranh cãi trong giới quân sự thế giới gần đây. Một số hoài nghi cho rằng không thể trong một thời gian ngắn mà TQ có thể đạt được bước nhảy vọt như vậy. Một số khác cho rằng trước đây TQ ít khi công khai về các dự án của mình, thì nay chắc hẳn họ phải có gì đó trong tay mới mạnh miệng như vậy.

Những người hoài nghi nhìn lại dự án chiến đấu cơ gần đây nhất của TQ như J-10, JF-17 mà cho rằng trong hiện tại, TQ mới chỉ có thể copy một mẫu gần tương đương với 1 chiếc F-16 đời đầu thì không thể nào trong 10 năm tới có thể lại có thể 'đại nhảy vọt' lên thế hệ thứ 5 ngay được. Một trong những trở ngại lớn nhất là động cơ phản lực, một thành phần chủ chốt của mọi chiến đấu cơ. Cho tới nay, TQ vẫn phụ thuộc vào Nga để có các động cơ phản lực. VD như loại RD93 (dùng cho Mig29), cho tới nay TQ đã nhập hơn một ngàn chiếc. Bản copy của RD93 là WS13, được phát triển với sự trợ giúp của chính Nga. TQ cho biết WS13 đã gần như sẵn sàng, nhưng mới đây họ mới đặt hàng thêm khoảng 100 RD93 nữa.

Ngoài RD93, TQ cũng copy một loại động cơ nữa của Nga là AL31F, với tên gọi WS10A. Loại WS10A được dùng trên J-10 từ 2 năm trước, nhưng sau đó không quân không hài lòng với nó và TQ lại phải nhập thêm 100 AL31F nữa từ Nga. Câu hỏi đặt ra là cho tới nay TQ vẫn chưa thể copy thành công các mẫu động cơ của Nga, vốn đã chưa bằng công nghệ động cơ của phương tây, thì làm sao trong thời gian ngắn TQ có thể tự chế tạo một loại động cơ tương đương với lại dùng trên F-22.

Ngoài ra còn phải kể đến việc làm chủ công nghệ tàng hình, việc mà cho tới nay mới chỉ có Mỹ làm được. Nó không chỉ đơn thuần là kỹ thuật, mà còn 1 chút nghệ thuật trong đó, khi mà ta cần có một sự kết hợp hoàn hảo giữa hình dạng, cấu trúc, vật liệu, khí động học và hệ thống điều khiển. Các kỹ sư Nga từ các trung tâm thiết kế tên lửa phòng không Antey và Almaz từng xem xét cẩn thận các mảnh vỡ các chiếc F117 bị rơi ở Serbia, nhưng vẫn không thể tường tận được cơ chế chung của thế hệ máy bay tàng hình thứ nhất này.

Tuy vậy, theo lời một quan chức tình báo Mỹ và là chuyên gia phân tích về TQ thì cũng không hẳn là không có cơ sở để tin rằng TQ đã nắm được công nghệ ở một mức độ nào đó.

"Thông qua việc chuyển giao công nghệ hợp pháp, bán hợp pháp và cả phi pháp, tôi tin rằng TQ đã thu thập được hầu như mọi thông tin hiện có về cách chúng ta chế tạo cấu trúc và vật liệu cho máy bay tàng hình. Họ cũng tận dụng tối đa hệ thống bằng sáng chế mở của chúng ta, hệ thống trường đại học kỹ thuật mở của chúng ta, và cả cơ chế buộc các giáo sư tiến sĩ xuất bản thường xuyên các nghiên cứu của mình. Với những gì mà họ có được từ chúng ta (Mỹ), Nhật, HQ, Nga và châu Âu, họ đã có mọi dự liệu cần thiết. Hạn chế cuối cùng là ngân sách và khả năng của quy trình sản xuất và tích hợp, những điều mà chúng ta vẫn làm tốt hơn bất kì ai. Bởi vì chúng phản ánh văn hóa doanh nghiệp và kinh nghiệm mà không dễ gì có thể copy được".

"Cho tới nay, cuộc chạy đua vũ trang duy nhất mà TQ đang đối mặt là với Ấn độ, và họ đang thắng thế".

No comments: