30.1.10

Cái khó ló (hay bó) cái khôn?

Thêm một hình ảnh nữa về T-50, lần này là chụp trực diện từ dưới lên. Nó cho thấy rõ hơn đặc trưng không thể nhầm lẫn của dòng Su-27 với cách bố trí các khoang động cơ và phần thân trung tâm, phần đuôi 'hải ly'…Ngoài ra, nó còn cho thấy rõ hơn phần cuối của khoang động cơ vẫn giữ hình dạng trụ tròn, một điểm trừ lớn khi xét đến tính năng tàng hình. Cấu trúc thẳng nối từ cửa hút gió đến động cơ thực sự là một thách thức không nhỏ trong việc tối thiểu diện tích phản xạ radar. Trong các thiết kế tàng hình như F-22, F-35, cửa hút gió và động cơ không bao giờ thẳng hàng. Cộng với một số chi tiết thiết kế có hại cho tính năng tàng hình khác, có thể nói T-50 không phải là một thiết kế tàng hình. Nó có thỏa mãn yêu cầu về giảm thiểu diện tích phản xạ radar, nhưng tàng hình không phải là yêu cầu tiên quyết. Điều này ngược với F-22 hay F-35, với tàng hình là yếu tố quan trọng nhất, mà các yếu tố khác có thể phải hy sinh để bảo đảm sự hoàn hảo về tính năng tàng hình.

Hiện nay vừa mới xuất hiện thêm thông tin từ các nguồn của Nga cho biết diện tích phản xạ radar của T-50 là 0.05m2 thay vì 0.5m2 như trước kia. Tuy có giảm 10 lần nhưng thực tế thì mức này vẫn chỉ nằm trong khoảng 'bán tàng hình' tương đương các máy bay thế hệ 4.5 của châu Âu như Typhoon và Rafale. Với con số 0.05m2 thì T-50 vẫn là một mục tiêu lớn hơn F-22 đến 500 lần, đối với radar.


Nếu nhìn vào 2 hình trên, có thể thấy rõ sự khác biệt lớn về thiết kế giữa F-22 và T-50. Với F-22, cửa hút gió không 'gắn' vào thân (như F-16, F-15) hay cánh (như Su-27) mà hoàn toàn được hợp nhất vào thân. Do đó F-22 có phần bụng rất phẳng. Trong khi đó, thiết kế của T-50 vẫn theo kiểu Su-27, với cửa hút gió gắn vào cánh.

Một nhận xét nữa là vòm radar của T-50 có kích thước khá nhỏ, ngược hẳn với các mẫu máy bay trước kia của Nga/LX.  

Tuy nhiên, không thể không đề cập đến sự khác biệt về triết lý thiết kế giữa F-22 và T-50. Rõ ràng là người Nga không xem tàng hình là mục tiêu tối thượng. Họ thừa hiểu mình không thể đuổi kịp người Mỹ với kinh nghiệm của 4 thế hệ máy bay tàng hình khác nhau. Thay vào đó, họ lấy lại những gì tinh túy nhất của dòng Su-27 và làm mọi cách để làm giảm diện tích phản xạ radar của nó mà không hy sinh điểm mạnh truyền thống của dòng Su-27. Có thể thấy rằng khả năng vận động linh hoạt vẫn là trọng tâm thiết kế T-50. Các cánh đuôi di động, chúng không sử dụng các tấm liệng vì bản thân đã là một tấm liệng lớn. Phần diện tích mở rộng của gốc cánh cũng di động. Ống xả phản lực định hướng 3 chiều. Có thể thấy rõ ràng các cánh đuôi của T-50 có kích thước khá nhỏ so với kính thước tổng thể của máy bay, cho thấy người Nga rất tự tin với khả năng của ống xả định hướng có thể thay thế một phần các chức năng của cánh đuôi. Tóm lại, T-50 chắc chắn sẽ hứa hẹn thực hiện những màn vận động trên khônh cực kỳ ngoạn mục đúng như truyền thống của dòng Su-27.



Ngoài ra, còn phải kể đến sự khác nhau về yêu cầu tác chiến. F-22 được thiết kế để tác chiến trong môi trường thù địch, phải đồng thời chiến đấu với phi cơ đối phương mà còn phải đột nhập sâu vào bên mạng lưới phòng không liên hợp của kẻ địch. T-50 ngược lại có yêu cầu tác chiến chính là phòng thủ trong lãnh thổ Nga, nơi nó được sự hỗ trợ của các hệ thống phòng không, thay vì phải chống lại.


Và cũng không thề không nhắc đến hạn chế về nguồn lực mà dự án này gặp phải. Lần cuối cùng Nga có một dự án máy bay lớn như vậy là khi LX vẫn còn tồn tại. Tình hình nay hoàn toàn khác. Mỹ có thể chi 150 tỷ dollar cho dự án F-22. Nga có thể chi khoảng 1/10 con số đó. Một điều mà không phải ai cũng nhớ ra, đó là ưu tiên cao nhất của ngân sách quốc phòng Nga vẫn là cho các hệ thống vũ khí chiến lược, tiêu biểu như tên lửa Bulava, tàu ngầm lớp Borei. Trong hoàn cảnh đó, buộc Nga không thể mạo hiểm với một thiết kế hoàn toàn mới, hoàn toàn đột phá như họ đã từng làm với T-10 (nguyên mẫu của Su-27). Thay vào đó họ vẫn lấy một xuất phát điểm có sẵn là dòng Su-27 nhằm giảm thiều rủi ro.

1 comment:

Unknown said...

Bài viết thật hay, thank bạn.