17.2.09

Vì sao tàu ngầm lại có thể va chạm với nhau?


Ngày 16 vừa qua, cả hải quân Pháp và Anh cùng xác nhận việc 2 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân (SSBN) của họ đã va vào nhau ngày 4/2. Chiếc Vanguard đang trong chuyến tuần tra còn Le Triomphant đang trở về cảng nhà Brest. Cả Anh và Pháp đều có hạm đội SSBN 4 chiếc.

Làm thế nào mà 2 tàu ngầm lại có thể va vào nhau giữa đại tây dương rộng lớn như vậy? Có một vài khả năng như sau.

Đầu tiên, cả Anh và Pháp cùng cho tàu ngầm tuần tra ở cùng một khu vực, vì cả 2 đều có cùng 1 mục tiêu, Nga, và tên lửa của 2 nước có tầm bắn gần như nhau. Do đó, không phải toàn bộ đại tây dương, mà chỉ có một phần nhỏ khu vực phía đông là nơi hoạt động thường xuyên của tàu ngầm.

Thứ hai, mục tiêu của SSBN là yên lặng nhất có thể. Chúng sử dụng sonar thụ động và di chuyển rất chậm. Trong một số điều kiện tự nhiên đặc biệt, khi mà có sự chênh lệch nhiệt độ hoặc độ mặn giữa các tầng nước, âm thanh có thể bị bẻ theo những hướng nhất định và khiến cho 2 tàu ngầm hoàn toàn 'vô hình' đối với nhau.

Thứ ba, NATO có quy tắc quy định việc các thành viên chia sẻ thông tin về khu vực hoạt động của tàu ngầm với nhau. Nhưng Pháp đã ra khỏi NATO từ 1966.

Cũng có thể là hệ thống sonar trên một trong 2 tàu gặp vấn đề, không phát hiện hay phát hiện quá trễ.

Cho dù là nguyên nhân gì, cuộc điều tra có thể mất nhiều thời gian, và chắc chắn là chỉ một phần kết quả sẽ được công bố rộng rãi.

Hải quân Pháp tuyên bố họ luôn có 2 SSBN sẵn sàng cho nhiệm vụ, do đó nếu một gặp vấn đề, họ vẫn duy trì được khả năng răn đe hạt nhân từ tàu ngầm.

Lớp Le Triomphant nặng 12,600 tấn, thủy thủ đoàn 101 người. Nó mang theo 16 tên lửa M51 với tầm bay 10,000km và có 6 đầu đạn. 3 chiếc trước đó mang tên lửa M45, tầm bay 6,000km.

Vanguard lớn hơn một chút, với thủ thủ đoàn 135 người, mang theo 16 tên lửa Trident II, mỗi cái có 8 đầu đạn, tầm bắn 11,300km.

Giả sử vụ va chạm vừa qua có kết quả tồi tệ hơn và 1 trong 2 hoặc cả 2 chiếc bị chìm thì chúng cũng chỉ nối dài thêm danh sách tàu ngầm hạt nhân bị chìm từ những năm 60. Cả lò phản ứng và đầu đạn hạt nhân đều được thiết kế để chìm trong nước và vẫn bảo quản được vật liệu phóng xạ trong thời gian dài. Ước tính có khoảng một chục tàu ngầm hạt nhân bị chìm. Tuy vậy, con số này không tính đến việc trong những năm 80 và 90, người Nga đã cho đánh chìm hàng loạt tàu ngầm ở Bắc Băng Dương vì thiếu kinh phí duy trì. Đến giữa những năm 90, các nước phương tây bắt đầu cung cấp kinh phí để Nga có thể tháo dỡ an toàn các tàu ngầm cũ của mình và dừng việc đánh chìm này lại.

No comments: